Cách xử lý nhanh gọn khi xe có dấu hiệu bốc cháy

Cách xử lý nhanh gọn khi xe có dấu hiệu bốc cháy

Phát hiện các dấu hiệu cháy xe càng sớm bao nhiêu, cơ hội “cứu” chiếc xe của mình càng cao bấy nhiêu.

Nhìn lại một số vụ cháy ô tô gần đây, xe bị cháy rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, năm sản xuất và cả giá tiền. Điều đó chứng tỏ nguy cơ cháy nổ xe ô tô có thể đến bất cứ ai và bất kỳ loại xe nào, không chỉ là xe cũ.

Khi phát hiện dấu hiệu cháy xe, nhiều người sẽ hoang mang không biết phải xử lý ra sao và có tâm lý "buông xuôi" nhìn chiếc xe bị cháy rụi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây lại là thời điểm “vàng” để cứu vớt được tình hình.

Việc bình tĩnh và nhanh chóng xử lý tình huống là rất quan trọng, chỉ cần vài giây lưỡng lự, hậu quả có thể sẽ rất nặng nề.

Cách xử lý nhanh gọn khi xe có dấu hiệu bốc cháy - 2

Chiếc Mercedes GLC250 do một phụ nữ điều khiển bị cháy rụi trên phố Lê Văn Lương (Hà Nội) chỉ sau khoảng 15 phút. Sự việc xảy ra vào sáng ngày 20/11/2019. Ảnh: Giaothonghanoi

Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên - Giám đốc một trung tâm sửa chữa ô tô tại Hà Nội cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe như: Va chạm giao thông, chập điện, bình chứa nhiên liệu bị rò rỉ, động cơ bị quá nhiệt, dây dẫn và các thiết bị kém chất lượng hay thậm chí là do… chuột cắn dây.

“Cháy xe là điều không ai mong muốn, nhưng nếu tinh ý phát hiện sớm và xử lý đúng cách, kịp thời thì thiệt hại sẽ được giảm xuống mức thấp nhất”, kỹ sư Kiên cho hay.

Theo vị chuyên gia này, nếu đang lưu thông trên đường, ô tô trước khi bốc cháy sẽ có một số dấu hiệu và cách xử lý tình huống như sau:

1.  Mùi khét:

Mùi khét thường xuất hiện ở phía dưới nắp capo hoặc trong khoang xe. Đây là dấu hiệu cho thấy một bộ phận nào đó như nhựa hay ống cao su đang bị đốt cháy do nhiệt độ quá cao. Khi đó, lái xe cần chú ý một số điểm sau:

-  Ngay khi phát hiện ra mùi khét, lập tức dừng xe ở vị trí an toàn, tắt máy và xuống kiểm tra xe.

- Đầu tiên, hãy kiểm tra xung quanh bên ngoài xem có gì bất thường và xác định chính xác vị trí mùi khét phát ra. Nếu đúng mùi khét phát ra từ khoang máy, hãy lấy mu bàn tay chạm nhẹ vào phía trên nắp capo xem có quá nóng hay không.

- Nếu nhiệt độ quá cao, bạn có thể dùng nước đổ lên phía trên để giảm nhiệt trước khi mở nắp ra kiểm tra kỹ hơn. Nếu không quá nghiêm trọng, hãy để động cơ nguội đi một chút rồi mới di chuyển tiếp.

Khi phát hiện mùi khét mà không dừng kiểm tra kịp thời có thể dẫn đến việc tiếp tục cháy các bộ phận nhựa hoặc cao su, mọi thứ trở nên phức tạp hơn.

2. Có tiếng nổ “lạch tạch” phía dưới nắp capo

Khi phát hiện tiếng nổ nhỏ “lạch tạch”, có thể đang có hiện tượng chập điện ở phía dưới nắp capo. Những tiếng nổ này có thể đi kèm với mùi khét do cháy dây điện. Đối với trường hợp này, lái xe cũng cần có một số chú ý sau:

- Nên dừng xe ngay lập tức, đồng thời tắt khoá điện trước khi kiểm tra xe.

- Tương tự như khi phát hiện thấy mùi khét ở trên, bạn nên kiểm tra nhiệt độ của capo trước khi mở nắp kiểm tra kỹ.

- Nếu phát hiện dây điện đang bị chập, cháy đen, bạn không nên tiếp tục di chuyển mà nhanh chóng gọi cứu hộ.

Trên thực tế, nguyên nhân gây ra cháy xe hiện nay phần lớn đến từ chập điện khi các tia lửa bắt vào các bộ phận dễ cháy và gây cháy. Do vậy, không thể xem thường những tiếng “lạch tạch” nhỏ này.

3. Có khói bốc lên từ nắp capo

Nếu phía dưới nắp capo có khói, chắc chắn một bộ phận nào đó đang âm ỉ cháy. Đây là trường hợp cần phải xử lý rất nhanh và quyết đoán. Bạn có cần chú ý và làm theo những bước sau:

- Lập tức dừng xe, tắt khoá điện, khoá bình xăng (nếu có);

- Nhanh chóng di chuyển người, tài sản ra ngoài xe;

- Tuyệt đối không mở nắp capo vì việc này vô tình sẽ nạp thêm không khí để đám cháy bốc lên;

- Nhờ sự trợ giúp của mọi người xung quanh. Dùng bình chữa cháy, nước, cát, vải ướt,… phủ lên phía trên nắp capo để giảm nhiệt độ và hạn chế đám cháy bùng phát;

- Gọi Cảnh sát giao thông hoặc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy càng sớm càng tốt.

4. Ngọn lửa bốc lên xe

Trường hợp đã có ngọn lửa bốc lên, cũng chưa hẳn đã là quá muộn để cứu chiếc xe của mình. Bạn cần xử lý ngay các bước sau:

- Sơ tán tất cả mọi người ra xa, tránh trường hợp ngọn lửa bén vào bình xăng có thể gây nổ.

- Tìm cách đóng các cửa xe lại, điều này khiến khoang xe kín, khiến ngọn lửa khó bén vào trong xe hơn. Nếu mở tất cả cửa, chiếc xe có thể bị cháy rụi chỉ trong 10 phút.

- Dùng bình chữa cháy, nước, cát, vải ướt,…phủ lên xe nhằm hạn chế đám cháy bùng phát quá nhanh.

- Chú ý xịt bình chữa cháy vào cả 4 lốp xe bởi nếu ngọn lửa bén vào lốp sẽ khiến đám cháy khó kiểm soát hơn rất nhiều.

- Nhờ sự trợ giúp từ phía cảnh sát càng sớm càng tốt.

Cách xử lý nhanh gọn khi xe có dấu hiệu bốc cháy - 3

Các chuyên gia cũng khuyên rằng, khi trong tình thế nguy kịch như cháy xe, bạn cần cố gắng bình tĩnh, ưu tiên thoát hiểm cho hành khách ngồi trên xe đầu tiên, sau đó mới nghĩ đến cứu xe.

Đồng thời, những vật dụng như bình cứu hỏa mini, bình nước, khăn lau, búa thoát hiểm hoặc vật cứng,... là những vật dụng rất cần thiết và nên trang bị trên xe, có thể sử dụng trong lúc nguy cấp.

"Hiện nay không bắt buộc phải mang bình cứu hỏa trên ô tô, tuy nhiên tôi khuyên các lái xe nên trang bị vật dụng này vì nó rất hữu ích trong trường hợp phát hiện xe mới có hiện tượng cháy hoặc mới cháy ở giai đoạn đầu tiên", ông Kiên chia sẻ.

Theo Vietnamnet

0 vote
Bài mới hơn
Bài cùng chuyên mục